top of page

VIÊM TAI GIỮA TÁI ĐI TÁI LẠI Ở TRẺ EM, ĐẶT ỐNG THÔNG KHÍ CÓ HIỆU QUẢ?

Bệnh viêm tai giữa tái đi tái lại thường xuyên là kẻ thù không đội trời chung của nhiều bậc cha mẹ và trẻ nhỏ. Đối với những trẻ nhóm này có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phẫu thuật đặt ống thông khí màng nhĩ. Tuy nhiên gần đây một nghiên cứu mới cho thấy rằng phương pháp điều trị phổ biến này- "ống thông khí màng nhĩ" - có thể không ngăn chặn được các đợt tái phát trong tương lai.

Viêm tai giữa cấp là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa, tần suất mắc bệnh chỉ đứng sau cảm lạnh thông thường ở trẻ nhỏ. Khi viêm tai giữa trẻ có thể đau, sốt và nghe kém. Một số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị nhiễm trùng tai giữa thường xuyên. Một trong những lựa chọn điều trị là phẫu thuật đặt một ống nhỏ vào màng nhĩ, để giúp thoát chất lỏng (mủ hoặc dịch) tích tụ phía sau nó. Nhưng nghiên cứu mới, được công bố ngày 13 tháng 5 trên Tạp chí Y học New England , đã phát hiện ra rằng phẫu thuật này không ngăn chặn được các đợt tái phát trong tương lai.

(tham khảo: https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2027278) Trong số 250 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các nhà nghiên cứu đã theo dõi những trẻ được điều trị bằng đặt ống thông khí tai giữa và những trẻ không phẫu thuật (chỉ dùng kháng sinh khi mắc bệnh) trong vòng hai năm. Kết quả chỉ ra rằng cả 2 nhóm trẻ đều có tần suất tái phát bằng nhau. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Alejandro Hoberman của Bệnh viện Nhi đồng UPMC ở Pittsburgh, cho biết tin tốt là tần suất viêm tai giữa ở cả hai nhóm đều giảm dần theo thời gian. Ông giải thích, trẻ em thường phát triển nhanh hơn các bệnh nhiễm trùng. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dễ bị viêm tai giữa do cấu trúc vòi nhĩ của chúng. Khi những đứa trẻ lớn lên, điều đó sẽ thay đổi. Theo Hoberman, những phát hiện mới cho thấy rằng đối với nhiều trẻ em, không cần thiết phải đặt ống thông khí màng nhĩ. Tuy nhiên, ông nói thêm, một số có thể cần đặt ống nếu tỷ lệ nhiễm trùng tai của họ không thuyên giảm theo thời gian. Tiến sĩ Steven Sobol là chủ tịch của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ về Phẫu thuật Tai Mũi Họng-Đầu và Cổ. Ông cho biết nghiên cứu này "ủng hộ niềm tin rằng nhiều trẻ em bị viêm tai giữa cấp tính tái phát cuối cùng sẽ hết các triệu chứng, bất kể chúng đã được điều trị nội khoa hay phẫu thuật." Nhưng quyết định điều trị, Sobol nói, phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau. Chúng bao gồm liệu viêm tai có làm suy giảm sự phát triển thính giác và lời nói của trẻ hay không. Điểm đó đã được nhấn mạnh bởi Tiến sĩ Maura Cosetti của Bệnh viện Tai và Mắt Mount Sinai ở Thành phố New York.

Cosetti cho biết: “Độ tuổi của những đứa trẻ trong nghiên cứu này trùng với những gì được cho là giai đoạn nhạy cảm để phát triển lời nói và ngôn ngữ. Không giống như thuốc kháng sinh, cô giải thích, ống tai "có thể giúp giảm ngay lập tức tình trạng mất thính lực liên quan đến dịch tai giữa - giá trị có thể khó định lượng trong nghiên cứu hiện tại." Đối với Sobol, nghiên cứu "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một cách tiếp cận cá nhân hóa ". Thử nghiệm bao gồm 250 trẻ em, độ tuổi từ 6 tháng đến gần 3 tuổi, bị nhiễm trùng tai giữa tái phát - ít nhất ba trong vòng sáu tháng, hoặc bốn lần trong một năm. Nhóm của Hoberman đã chỉ định ngẫu nhiên cho họ phẫu thuật đặt ống thông khí hoặc nhận thuốc kháng sinh uống bất cứ khi nào nhiễm trùng mới xảy ra. Những đứa trẻ được đặt ống tai cũng nhận được thuốc kháng sinh khi một bệnh nhiễm trùng mới phát sinh - nhưng bằng cách nhỏ tai. Nếu không hiệu quả, họ chuyển sang dùng kháng sinh uống. Hoberman lưu ý một lợi thế của ống thông khí là chúng cho phép dùng thuốc kháng sinh nhỏ vào tai. Điều đó có thể làm giảm nguy cơ vi khuẩn ở những nơi khác trong cơ thể phát triển tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên, trong hai năm nghiên cứu, không có lợi thế rõ ràng của nhóm được đặt ống thông khí khi bị nhiễm trùng mới hoặc kháng kháng sinh. Tỷ lệ nhiễm trùng tai tái phát trung bình là khoảng 1,5 mỗi năm ở nhóm được đặt ống thông khí và 1,7 ở nhóm so sánh. Nhiễm trùng giảm trong năm thứ hai ở cả hai nhóm. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em được đặt ống thông khí đã dành ít ngày hơn cho việc uống thuốc kháng sinh. Nhưng hai nhóm điều trị không có sự khác biệt về khả năng chứa vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trong mũi hoặc họng. Tuy nhiên, Sobol chỉ ra, có một số lợi thế khác trong nhóm đặt ống thông khí. Thứ nhất, chúng có xu hướng lâu bị tái phát hơn ở lần đầu tiên. Các triệu chứng nhiễm trùng ở nhóm này cũng ngắn ngày hơn - ngoại trừ dịch tiết ra từ tai. Đồng thời, Hoberman cho biết, phẫu thuật đặt ống thông khí màng nhĩ mang theo những rủi ro, dù nhỏ. Trong quá trình phẫu thuật, có thể bị chảy máu hoặc phản ứng với thuốc gây mê. Về lâu dài, ống có thể bị tắc hoặc gây ra những thay đổi cấu trúc trong màng nhĩ.

Cuối cùng, Sobol cho biết, việc lựa chọn phương pháp điều trị nên được quyết định theo từng trường hợp. Để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tai giữa ngay từ đầu, Hoberman cho biết, trẻ sơ sinh nên được chủng ngừa phế cầu khuẩn định kỳ. Ông cho biết thêm, việc cho con bú và bảo vệ trẻ khỏi khói thuốc thụ động cũng có thể làm giảm nguy cơ.

Nguồn: webmd

Dịch: bsduyquang.com

650 views0 comments
bottom of page